Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

[Kinh tế-Tamnhin.net] - Sự sốt sắng khó hiểu của tỉnh Sơn La trong việc xin xuất khẩu quặng tồn kho

Trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị ngừng xuất khẩu khoáng sản thô, sự sốt sắng của UBND tỉnh Sơn La trong việc xin cho Công ty Tuấn Đạt xuất khẩu quặng tồn kho, liệu có gì bất thường?.


Điểm khai thác quặng trái phép của Công ty Tuấn Đạt
Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Sơn La khai thác thu hồi khoáng sản tại vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La. Thời gian khai thác cho tới khi lòng hồ thủy điện tích nước.

Song, tới năm 2009, tỉnh Sơn La mới “tìm” được nhà đầu tư triển khai kế hoạch này, đó là Công ty TNHH Tuấn Đạt.

Sau khi tìm được nhà đầu tư, UBND tỉnh Sơn La đã có QĐ số 2849, cho phép Công ty Tuấn Đạt khai thác trên phạm vi diện tích là 02 ha, ở cao độ từ 180m-215m vùng ngập lòng hồ thủy điện.



Cảng tập kết quặng trước khi đem đi xuất khẩu

Sản lượng khai thác ban đầu chỉ 15 ngàn tấn/năm, sau đó năm 2010 được điều chỉnh lên trên 200 ngàn tấn/năm và gia hạn giấy phép đến tháng 9/2012.

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Sơn La, từ tháng 9/2009 đến tháng 9/2011 Công ty Tuấn Đạt khai thác được 430 ngàn tấn. Đã xuất bán trong nước 60 ngàn tấn, xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 83 ngàn tấn và tồn kho 30 ngàn tấn tại Lào Cai, hơn 256 ngàn tấn tại huyện Mường La (địa điểm khai thác).

Ngày 9/1/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 02/2012/CT-Ttg, yêu cầu dừng xuất khẩu khoáng sản thô. Nhưng, sau đó, Công ty Tuấn Đạt có báo cáo Sở Công thương Sơn La xin xuất khẩu quặng sắt đã ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc.



Quặng thải được đổ ngay ven đường

Tại văn bản này, Công ty Tuấn Đạt trình bày có 23 ngàn tấn quặng đã xuất hóa đơn để làm thủ tục Hải quan tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, nhưng chưa xuất khẩu được do thực hiện chỉ thị 02.

Vì vậy, công ty xin được xuất khẩu trả nợ theo hợp đồng với khối lượng 220 ngàn tấn quặng sắt (bao gồm 23 ngàn 200 tấn quặng đã xuất hóa đơn và 197 ngàn tấn theo hợp đồng đã ký).

Sau khi Công ty Tuấn Đạt có đơn xin được xuất khẩu, suốt từ tháng 8/2012 tới một thời gian dài sau đó, UBND tỉnh Sơn La nhiều lần có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương xem xét cho một Công ty TNHH của tỉnh này được xuất khẩu 220 ngàn tấn quặng thô.

Cụ thể, ngày 29/8/2012 ông Bùi Đức Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ký công văn số 1876/UBND-KTN gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương xin cho Công ty Tuấn Đạt được xuất khẩu quặng tồn kho để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.




Trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị ngừng xuất khẩu khoáng sản thô, sự sốt sắng của UBND tỉnh Sơn La trong việc xin cho Công ty Tuấn Đạt xuất khẩu quặng tồn kho, liệu có gì bất thường. Trong khi dư luận cho rằng, nguồn gốc của số quặng tồn kho có nhiều điểm đáng ngờ.

Một số nguồn tin cho rằng, việc Công ty Tuấn Đạt xin xuất khẩu quặng tồn kho, thực chất là xin giấy phép để bán cho doanh nghiệp khác ở Lào Cai xuất khẩu khoáng sản được thu gom trái phép.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quặng sắt của Sơn La thuộc loại quặng không có từ, hàm lượng Fe không cao, không được giá khi xuất khẩu. Theo quy định tại thông tư 08 của Bộ Công thương, quặng sắt xuất khẩu phải đạt hàm lượng Fe lớn hơn hoặc bằng 54%, trừ trường hợp cá biệt như tận thu tại lòng hồ thủy điện Sơn La, hàm lượng không đạt nhưng vẫn được phép xuất khẩu thô (trước khi có lệnh “cấm” xuất khẩu theo chỉ thị 02).

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng bản Khâu Ban 2, xã Mường Trai, huyện Mường La, Lò Văn Loại khẳng định: quặng của Công ty Tuấn Đạt không chỉ được tận thu ở lòng hồ, mà Công ty Tuấn Đạt còn tận thu ở dọc hai bên đường chứ không phải ở điểm được cấp phép.

Tiếp lời, Chủ tịch UBND xã Mường Trai, Lèo Văn Lay cho biết thêm, Công ty Tuấn Đạt có tận thu khoáng sản tại lòng hồ với số lượng ít. Khi công ty này làm đường nông thôn gặp quặng ở đâu thì tận thu tới đó.

Tầm nhìn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Anh Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét